Logo

1. Sự hình thành, phát triển của tranh kính nghệ thuật trên thế giới

Tranh kính nghệ thuật từ lâu đã nổi tiếng thế giới với những bức tranh kính chủ yếu được sử dụng trong nhà thờ. Tranh kính nhà thờ hình thành từ các nước châu Âu, là một phần không thể thiếu trong các nhà thờ Công giáo trên thế giới. Qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, tranh kính nhà thờ với lối kiến trúc độc đáo, luôn là biểu tượng tượng trưng cho sức mạnh tối cao của Chúa. Bằng màu sắc, nét vẽ, tranh khắc hoàn hảo trên kính, vẻ đẹp của những tác phẩm tranh kính nhà thờ, kết hợp với ánh sáng trên cửa sổ, trên mái vòm lớn khiến cho không gian nhà thờ trở nên trang nghiêm, huyền bí, lung linh và sang trọng (1).

Đề tài trong tranh kính nhà thờ chủ yếu về Chúa, về Đức mẹ đồng trinh hoặc những chủ đề liên quan đến nhà thờ. Khác với các dòng tranh kính mang màu sắc tươi tắn của đời thường như tranh hoa lá, phong cảnh, tranh kính nhà thờ thường mang sắc thái, họa tiết hoa văn ấm áp với nét cổ kính hơn. Sự xuất hiện của những tác phẩm tranh kính trong nhà thờ luôn là điều tất yếu và không có gì thay thế được vai trò cũng như giá trị nghệ thuật nó mang lại.

Trên thế giới có rất nhiều nhà thờ lớn với các tác phẩm tranh kính nổi tiếng như nhà thờ Sainte Chapelle của Pháp, nhà thờ Augsburg Cathedralm của Đức, nhà thờ thánh Vitus của Cộng hòa Czech... Sự tồn tại của những tác phẩm tranh kính cùng lối kiến trúc độc đáo đã khiến những nhà thờ này trở thành biểu tượng về kiến trúc thế giới.

Thời cổ đại: Người Ai Cập và người La Mã bước đầu đã sản xuất các vật thể bằng kính màu nhỏ, ban đầu là vật thể kính có màu mờ đục, nhưng khi ánh sáng truyền qua nó trở lên sáng đỏ rực hoặc có màu xanh tối. Đến TK I, người Roman đã biết sử dụng kính làm cửa sổ để lấy sáng. Trong các nhà thờ Cơ đốc đầu TK IV - V, đã có nhiều cửa sổ được trang trí bằng hoa văn cổ thạch cao lát mỏng thành khung gỗ, tạo ra hiệu ứng kính màu.

Thời Trung cổ: Hình thức nghệ thuật tranh kính đã đạt đến đỉnh cao, tại các nhà thờ nó trở thành một hình ảnh minh họa chính được sử dụng để minh họa những câu chuyện kể trong Kinh thánh cho dân chúng (2). Nghệ thuật tranh kính thực sự phát triển vào TK XIII. Linh mục Suger cai quản nhà thờ Saint Denis ở Paris (1122 - 1151) là người có công khởi xướng nền nghệ thuật tranh kính, đã mạnh dạn cải tiến kiến trúc nhà thờ Thiên chúa giáo. Sự thay đổi này mở ra một dòng kiến trúc mới - nghệ thuật tranh kính - một bộ phận gắn bó hữu cơ với kiến trúc Gothic (3). Gần một thế kỷ sau, hàng trăm công trình nhà thờ Gothic đã nối tiếp được xây dựng ở châu Âu, mà linh hồn và điểm nhấn quan trọng nhất lại chính là các công trình bằng kính với những chiếc cửa sổ lộng lẫy, có những bức cao hai mươi mét, làm choáng ngợp con người. Đáng tiếc thời gian sau đó cuộc cách mạng Pháp đã phá hủy gần hết những tác phẩm tranh kính có giá trị nhất của nhà thờ Saint Denis. Mặc dù vậy, Saint Denis đã thực hiện được sứ mệnh quan trong là mở ra một kỷ nguyên kiến trúc mới huy hoàng và kéo theo đó là sự phát triển rực rỡ của dòng tranh kính nghệ thuật và kỹ nghệ sản xuất kính màu.

Thời gian sau vào thời kỳ nước Anh bị người Normandy chiếm đóng, nghệ thuật tranh kính cũng được truyền bá sang Anh. Các tác phẩm tranh kính nổi tiếng vẫn được lưu giữ ở Tòa giáo hội Trưởng lão ở xứ York có niên đại năm 1150. Từ đó các công trình kiến trúc Gothic và tranh kính màu cũng xuất hiện và phát triển rực rỡ ở Đức, Áo.

Trước TK XII, tranh kính chỉ có kích thước nhỏ bởi kiến trúc của các nhà thờ Kito chủ yếu theo phong cách Byzantuim và Roman. Các cửa sổ được liên kết bằng những bức tường dày, có nhiều cột lớn chịu lực đỡ mái vòm hoặc khung tò vò đồ sộ. Kỹ thuật mái vòm của Gothic cho phép giảm bớt sức chịu lực đè lên các bức tường, nhờ đó có thể có cơ hội để tranh kính phát huy hết công năng của mình.Bức tranh kính màu lớn nhất của TK XII là những tấm kính vẽ màu được gắn bằng những thanh sắt thẳng. Sang TK XIII, các thợ rèn bắt đầu tạo được những khung đỡ hình tròn và hình chữ nhật khổ lớn. Những chiếc cửa sổ hình tròn đặc trưng được bố trí xen kẽ các khối đá hộc đã góp phần làm cho các khối đá trở nên nhẹ nhàng, tao nhã. Loại cửa sổ này được phổ biến rất nhanh và sau này được gọi là cửa sổ hoa hồng, vì chúng có dáng dấp như những bông hoa khổng lồ đang nở. Cửa sổ hoa hồng tại nhà thờ Đức bà Paris được coi là chiếc cửa sổ hoa hồng bằng kính nổi tiếng, hoàn hảo nhất thế giới.

Tranh kính nhà thờ Đức bà Paris - Pháp 
 

Nghệ thuật tranh kính thời kỳ này đã tạo nên một thiên đường tranh kính màu. Các nghệ nhân làm kính đã chế tác ra được những tấm kính với chất liệu hoàn toàn mới, có khả năng thẩm thấu toàn bộ ánh sáng tự nhiên từ bên ngoài, và nhờ khúc xạ đặc biệt mà các bức tranh kính khổng lồ này có hiệu ứng quang học hoàn toàn khác thường, huyền ảo và hài hòa đến mức mà trước đó người ta chỉ dám ước mơ. Rất nhiều tác phẩm bất hủ đã được sáng tạo trong giai đoạn này.

Thời Phục hưng và cải cách: Bước sang TK XV, thời Trung cổ kết thúc, nhường chỗ cho Phục hưng cùng với sự ra đời của chủ nghĩa tư bản. Giữa TK XV, Jan Van Eyck - một họa sĩ tiêu biểu cho chủ nghĩa hiện thực - đã tạo nên một cuộc cách mạng trong nghệ thuật tranh kính, đưa nghệ thuật tạo hình vào các tác phẩm tranh kính do ông chủ trì thực hiện. Đây là lần đầu tiên các họa sĩ thay thế cho các nghệ nhân trong việc thiết kế và chỉ đạo thực hiện các tác phẩm tranh kính. Tranh kính giai đoạn này từ chỗ chỉ là các tác phẩm thủ công nay được coi là tác phẩm nghệ thuật. Các hình khối, đặc biệt là hình ảnh con người trong các công trình nghệ thuật được thể hiện bằng kỹ thuật sáng tạo của nhà hội họa. Lớp men màu phủ lên kính đã được cải tiến, trong trẻo hơn.

Cửa sổ kính màu đầu tiên được tạo ra trong thời Phục hưng là ở nhà thờ Florence. Đề án này bao gồm ba cửa sổ mắt cho mái vòm và cho mặt tiền được thiết kế và thực hiện từ năm 1405 đến năm 1445. Mỗi cửa sổ chứa một bức tranh duy nhất được vẽ từ cuộc đời chúa Kito hay cuộc đời của Đức Trinh Nữ Maria, và được bao quanh bởi một đường viền hoa hồng rộng, hai cửa sổ mặt tiền nhỏ là các phó tế tử đạo. Ở châu Âu, kính màu tiếp tục được sản xuất và sử dụng như thời Gothic, đại diện điển hình ở Đức, Bỉ và Hà Lan. Về sau, cuộc cách mạng Pháp đã tiêu hủy nhiều tác phẩm tranh kính. Còn ở Anh, cuộc cải cách ở Anh cũng đã đập vỡ số lượng lớn tranh kính trong các nhà thờ, thay vào đó là các cửa sổ kính bình thường, việc này đã dẫn đến Anh mất đi hàng ngàn tác phẩm tranh kính nhà thờ. Hơn một nửa thế kỷ người ta không còn nghĩ đến việc trang trí bằng tranh kính. Kỹ nghệ và công nghệ sản xuất tranh kính bị lãng quên.Mãi đến năm 1644, nghị Viện Anh mới bắt đầu nghĩ đến việc phục chế lại bức Đức Mẹ đồng trinh đã bị phá hủy.Lúc này tại Anh, một phong trào phục chế tranh kính màu xuất hiện. Đến TK XIX, một số tác phẩm tranh kính kiểu Gothic vẫn được áp dụng vào kiến trúc ở Anh.

Giai đoạn Hồi sinh: Đầu TK XIX, tại Anh, Pháp, Đức và một số nước châu Âu, sự phục hưng Công giáo đã diễn ra mạnh mẽ với trọng tâm là nhà thờ trung cổ, phục hưng lại các hình thức nghệ thuật Gothic. Giai đoạn này được một số nghệ sĩ gọi là “phong cách công giáo chân chính”. Nhiều nhà thờ mới được xây dựng, các nhà thờ cũ được phục hồi. Điều này đã mang lại một nhu cầu rất lớn cho sự phục hưng nghệ thuật tranh kính màu trong nhà thờ tại Anh.

Tại Pháp, TK XIX một số lượng lớn nhà thờ đã được phục hồi, nhiều tác phẩm tranh kính kiệt xuất của Pháp đã được khôi phục vào thời điểm này. Từ năm 1839, hầu hết kính màu được làm bằng những tấm lớn đã được sơn và bắn màu. Các mẫu thiết kế thường được sao chép trực tiếp từ các bức tranh sơn dầu của các nghệ sĩ nổi tiếng. Tại Pháp, kính màu thời kỳ này được sử dụng với màu bắt mắt hơn, như kính màu xanh, màu hồng và màu vàng.

Cuối TK XIX, một số nhà thiết kế nổi tiếng của Anh lúc đó đã đưa ra phong cách trang trí kính màu mới, đó là nghệ thuật kính màu Nouveau. Phong cách này sử dụng các đường cong, đường dây chằng chịt, các môtip xoắn. Phong cách trang trí này đã được phát triển mạnh mẽ ở Anh, sau đó lan sang các nước khác như Pháp, các nước Đông Âu.

Thời Đổi mới ở Hoa Kỳ: Sự phồn thịnh xa hoa của xã hội công nghiệp tại Hoa Kỳ vào TK XIX đã liên tục làm thay đổi phong cách kiến trúc. Phong cách Gothic đã được hồi sinh tại Hoa Kỳ, đề cao sự đồ sộ và phồn vinh cho các công trình kiến trúc mang đậm sắc thái Phục hưng mà người ta còn gọi là trường phái Tân cổ điển. Thời kỳ này, một dòng kính màu mới được người Mỹ sáng chế có tên gọi là kính opal, hoặc kính mờ đục. Loại kính này có khả năng phản chiếu các tia khúc xạ ánh sáng, tạo được vẻ lung linh huyền ảo khác với kính màu bình thường.

TK XX - XXI: Nghệ thuật tranh kính phụ thuộc vào xu hướng phát triển của kiến trúc hiện đại. Đến ngày nay, nghệ thuật tranh kính đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm và thay đổi cùng với sự thay đổi của kỹ thuật, công nghệ sản xuất và làm tranh kính. Càng về sau nghệ thuật tranh kính cũng như công nghệ sản xuất có sự phong phú và đặc sắc, đa dạng hơn. Nhưng xét cho cùng, công nghệ tranh kính hiện đại vẫn không khác so với thời Trung cổ. Để làm ra tranh kính người ta vẫn phải cần đến đôi mắt tinh tế của các nghệ nhân, nghệ sĩ trong việc chọn kính, chọn màu. Các quy trình làm tranh cơ bản vẫn như xưa. Các tác phẩm tranh kính trong nhà thờ mãi mãi vẫn là sản phẩm của bàn tay khéo léo, là biểu thị của tinh thần và cảm hứng sáng tạo của con người. Có thể nói, đây là lĩnh vực duy nhất đến nay không chịu tuân theo sự chi phối của máy móc.

Do hiệu ứng ánh sáng từ tranh kính giúp cho không gian trở nên lung linh, huyền bí hơn, nên trước đây, tranh kính thường chủ yếu được dùng trong các cung điện, lâu đài, nhà thờ. Ngày nay, tranh kính trong nhà thờ với nét đẹp cổ điển, sự huyền bí được người nghệ nhân kết hợp với công nghệ hiện đại, đã được sử dụng trong trang trí các công trình khách sạn, nhà hàng, nhà ở… Tranh kính được trang trí ở nhiều vị trí khác nhau trên công trình kiến trúc như trần kính, mái vòm, mặt tiền, cửa đi, cửa sổ, vách ngăn, để bàn,…

2. Quá trình tranh kính du nhập vào Việt Nam

Tranh kính Việt Nam  

Tranh kính nghệ thuật vốn có nguồn gốc và lịch sử ra đời cách đây hàng trăm năm ở các nước châu Âu, với mục đích ban đầu là trang trí trong các nhà thờ, cung điện, lâu đài. Trong những năm gần đây, dòng tranh này đã du nhập vào các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Như mục đích ban đầu, khi mới du nhập vào nước ta, tranh kính chủ yếu được sử dụng trong nhà thờ. Về sau, nhờ kết hợp với công nghệ hiện đại, tranh kính được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau.

Đặc biệt, tranh kính Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều từ tranh kính Trung Quốc. Cách đây khoảng vài chục năm, những gia đình giàu có đã nhập khẩu những bức tranh kính đầu tiên từ Trung Quốc. Vẻ đẹp long lanh của tranh kính đã thu hút người xem cũng như giới nghệ nhân kính ở Việt Nam. Các nghệ nhân thời đó đã bỏ công sức tìm tòi, học tập các công nghệ sản xuất tranh kính của Trung Quốc, sau đó dần hình thành dòng tranh kính Việt Nam. Vì học lại công nghệ của nước khác, do chưa nắm bắt được hết các kỹ thuật nên thời kỳ đầu tranh kính Việt Nam chưa thể bắt kịp với tranh của Trung Quốc.


 
Tranh kính Trung Quốc 

Hiện nay các sản phẩm tranh kính của Việt Nam đã dần khẳng định được thương hiệu của mình nhờ học hỏi những bí quyết, kỹ thuật tinh sảo trong việc làm tranh kính của các nước châu Âu, đặc biệt từ Trung Quốc. Tuy học theo Trung Quốc nhưng những người làm tranh kính ở Việt Nam cũng có những bước sáng tạo, đột phá mới dần tạo nên sự khác biệt so với tranh của Trung Quốc. Các sản phẩm tranh kính Việt Nam đã có được độ tinh tế, tính nghệ thuật cao mang đậm bản sắc dân tộc. Đó là những bức tranh kính được trang trí những màu sắc tươi tắn với đề tài rất gần gũi với đời sống người Việt, như hoa sen, chim, cá, động thực vật, phong cảnh thiên nhiên…